Hướng dẫn chọn mua mũ bảo hiểm 2021

Bạn đang tìm mua mũ bảo hiểm? Cần mũ riêng dành cho việc đi tour? Vợ bạn cần một chiếc mũ mới để đi làm và đi chợ hàng ngày? Với hằng hà sa số thương hiệu và sản phẩm mẫu mã mũ bảo hiểm tràn lan trên thị trường hiện nay, bạn hẳn sẽ mất không ít thời gian để xác định được đâu là lựa chọn mua hàng tối ưu của mình.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm mua được mũ bảo hiểm ưng ý phù hợp nhu cầu và túi tiền trong vòng mười phút!

Mũ fullface, lật hàm hay mũ 3/4?

Nhu cầu sử dụng của bạn là quyết định chính để chọn loại mũ bảo hiểm nào bạn sẽ mua. Cũng giống như xe mô tô phân khối lớn sử dụng trên đường cao tốc, xe tay ga dùng để đi lại hàng ngày, thì mũ bảo hiểm cũng được thiết kế để tối ưu cho một mục đích sử dụng cụ thể. Bạn có thể dựa vào video sau để phân biệt các loại mũ bảo hiểm khác nhau, hoặc nhìn vào bảng bên dưới.

Thiết kế

Đặc điểm

Thích hợp cho

Không thích hợp

Mũ bảo hiểm nửa đầu

  • Rất gọn và nhẹ
  • Rất Rẻ
  • Bỏ vừa tất cả cốp xe máy
  • Hoạt động hàng ngày
  • Đi chơi xa
  • Di chuyển nhanh

Mũ bảo hiểm ba phần tư

  • Gọn và nhẹ
  • Rẻ
  • Bỏ vừa một số cốp xe máy
  • Hoạt động hàng ngày
  • Đi chơi gần
  • Di chuyển chậm
  • Đi chơi xa
  • Di chuyển nhanh

Mũ bảo hiểm fullface

  • An toàn nhất
  • Giá tầm trung đến cao
  • Đi chơi xa
  • Di chuyển nhanh
  • Hoạt động hàng ngày
  • Di chuyển chậm

Mũ bảo hiểm lật hàm

  • An toàn
  • Giá cao
  • Tiện lợi hơn mũ fullface
  • Đi chơi xa gần
  • Di chuyển nhanh
  • Đi tour
  • Hoạt động hàng ngày

Mũ bảo hiểm cào cào

  • An toàn
  • Giá cao
  • Thiết kế riêng cho xe cào cào, adv, địa hình
  • Hoạt động trên xe adv, cào cào
  • Off-road
  • Hoạt động hàng ngày
  • Di chuyển quá nhanh

Tiêu chuẩn an toàn của mũ bảo hiểm

“Tiêu chuẩn an toàn mũ bảo hiểm” là một cái gì đó còn khá xa lạ đối với người Việt chúng ta. Tuy nhiên đây lại là tiêu chí lựa chọn số một khi mua mũ bảo hiểm ở các nước phương Tây. Các bộ tiêu chuẩn thường thấy là:

DOT - Tiêu chuẩn an toàn được ban hành bởi Bộ Giao Thông Vận Tải ở Mỹ. Đây là bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất, đảm bảo mũ bảo hiểm có khả năng bảo vệ người dùng ở một mức nhất định. 

ECE 22.05 - Bộ tiêu chuẩn an toàn do Ban Kinh Tế Châu Âu phát hành. Đây cũng là một trong những bộ tiêu chuẩn căn bản của tất cả các mũ bảo hiểm được bán ra tại châu Âu.

Hai bộ tiêu chuẩn DOT và ECE thực ra rất phổ biến, và nhiều mũ bảo hiểm bán tại Việt Nam đã đáp ứng bộ tiêu chuẩn này. Tuy nhiên những hãng sản xuất nhắm đến phân khúc thị trường cao hơn thì lại nhắm đến hai  bộ tiêu chuẩn sau đây: 

SHARP - Tiêu chuẩn an toàn được ban hành bởi chính phủ Anh quốc, trên nền tiêu chuẩn ECE. Do đó mũ bảo hiểm đạt chuẩn SHARP thì chắc chắn phải đạt chuẩn ECE và an toàn hơn ECE. Tiêu chuẩn SHARP thường được áp dụng cho những mũ bảo hiểm sử dụng trong trường đua. Hẳn là nó phải rất an toàn nhỉ. 

SNELL - Tiêu chuẩn an toàn được ban hành bởi một tổ chức phi chính phủ, được thành lập sau cái chết đau thương của một tay đua mô tô chuyên nghiệp. Cộng đồng đam mê tốc độ muốn có một bộ tiêu chuẩn đặc biệt dành cho những mũ bảo hiểm sử dụng trong trường đua. 

Quatest 3 - Một số mũ bảo hiểm ở Việt Nam được đánh giá đạt chuẩn “Quatest 3”. Tuy nhiên hệ thống tiêu chuẩn này đánh giá độ an toàn của mũ bảo hiểm bằng những bài kiểm tra nào, thì lại không được công bố. Tuy nhiên, có tiêu chuẩn vẫn hơn không, nhỉ?

Vậy dựa vào nhu cầu sử dụng, bạn chắc hẳn đã đoán được mình cần mũ bảo hiểm an toàn như thế nào rồi?

  • Để sử dụng hàng ngày, bạn chỉ cần một chiếc mũ tối thiểu đạt chuẩn Quatest 3. Mũ bảo hiểm nửa đầu và mũ bảo hiểm ba phần tư thường rất khó đạt các tiêu chuẩn cao hơn, do thiếu phần bảo vệ cằm.
  • Để đi chơi xa gần, di chuyển tren đường cao tốc, bạn cần một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn DOT hoặc ECE 22.05
  • Để sử dụng cùng với xe phân khối lớn, đi tốc độ cao, di chuyển nhanh, bạn nên cân nhắc đầu tư một chiếc mũ đạt chuẩn SHARP hoặc SNELL nếu có điều kiện.

Chọn mũ sợi carbon hay sợi thủy tinh?

Thực ra nếu mũ bảo hiểm đã đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn, thì việc vỏ mũ được làm từ chất liệu gì chỉ nói lên tương đối độ cứng và cân nặng của mũ bảo hiểm.

Nhựa ABS - Hay còn có nhiều tên khác là thermoplastic hoặc polycarbonate, là một loại chất liệu không quá đắt tiền, dễ đúc khuôn mũ bảo hiểm. Tuy nhiên nhựa ABS có nhược điểm là hơi mềm và dễ bị mài mòn, do đó vỏ mũ làm tự nhựa ABS thường rất dày, làm cho mũ bảo hiểm làm từ nhựa ABS khá nặng.

Sợi thủy tinh (fiberglass) - Cứng và nhẹ hơn nhựa ABS, đắt tiền hơn và khó đúc khuôn hơn, làm tăng chi phí sản xuất. Sợi thủy tinh hấp thu lực rất tốt, tuy nhiên lại dễ nứt trong quá trình hấp thu lực. Vậy, mũ bảo hiểm làm từ sợi thủy tinh sẽ cứng hơn, an toàn hơn và nhẹ hơn, tuy nhiên bạn có thể sẽ cần mua mũ mới sau mỗi lần xảy ra va chạm.

Nhựa Composite - Trộn sợi thủy tinh, sợi aramid, sợi kevlar và carbon, chúng ta có được một hỗn hợp nhựa tên gọi là nhựa Composite. Hỗn hợp nhựa composite rất chắc, khó bị mài mòn, hấp thu lực tốt và khó bị nứt vỡ, giá thành không quá đắt, tuy nhiên vẫn có nhược điểm là khá nặng. Có thể kết luận, hỗn hợp nhựa composite trung hòa giữa các tiêu chí giá thành, độ cứng chắc và cân nặng. 

Sợi carbon/kevlar là loại vật liệu cao cấp nhất cho công nghệ sản xuất mũ bảo hiểm hiện nay. Kevlar/Carbon có độ cứng đáng kinh ngạc, nhẹ hơn tất cả các loại vật liệu khác, tuy nhiên có giá thành vật liệu và chi phí sản xuất khá cao. Mũ bảo hiểm làm từ sợi carbon / kevlar rất an toàn, cứng chắc, nhẹ, đi đôi với giá thành cao. 

Thương hiệu mũ bảo hiểm nào là tốt?

Đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, theo đó là giá cả và những công nghệ, tiện ích kèm theo, thì những nhãn hiệu mũ bảo hiểm sau đây là lựa chọn đáng mua

Mũ bảo hiểm LS2

LS2 là một thương hiệu đến từ Tây Ban Nha, được sản xuất và gia công tại Trung Quốc. Mũ bảo hiểm LS2 cạnh tranh ngang hàng với những thương hiệu lớn như Bell, Arai, AGV… với mức giá chỉ bằng một phần ba của đối thủ. LS2 cũng tham gia các giải đua MotoGP, Moto2, Moto3, Dakar và những giải đua lớn ở khắp hành tinh. Tại Việt Nam, LS2 hiện đang khá nổi với những mẫu mũ bảo hiểm sang trọng ở phân khúc giá cao hơn thị trường phổ thông.

Tên mẫu

Thích hợp cho

Giá

Mũ ¾ LS2 Verso

Sử dụng hàng ngày

Khoảng 2.400.000đ

Mũ ¾ LS2 Cabrio Carbon

Sử dụng hàng ngày

Khoảng 6.100.000đ

Mũ Fullface LS2 Rapid

Đi phượt, đi tour

Khoảng 1.500.000đ

Mũ Lật Hàm LS2 Valiant

Đi tour

Khoảng 6.100.000đ

Mũ Cào Cào LS2 Pioneer

Xe cào cào, ADV

Khoảng 2.800.000đ

Mũ bảo hiểm Bell

Thương hiệu “nồi đồng cối đá” trong ngành công nghiệp mũ bảo hiểm, Bell đã có gần 100 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế và sản xuất mũ bảo hiểm. Các sản phẩm của Bell luôn có độ hoàn thiện sản phẩm rất cao, để vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn của các nước phương Tây. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm một khi đã chọn lựa mũ bảo hiểm thương hiệu Bell.

Tên mẫu

Thích hợp cho

Giá

Mũ Fullface Bell Qualifier

Đi phượt, đi tour

Khoảng 3.800.000đ

Mũ Fullface Bell Eliminator

Đi tour, chạy trường đua

Khoảng 10.100.000đ

Mũ Dual Sport Bell MX-9 Adventure

Phượt, ADV, touring, địa hình

Khoảng 6.900.000đ

Mũ bảo hiểm Yohe

Yohe là thương hiệu mũ bảo hiểm đến từ Trung Quốc, hiện đang được giới trẻ ưa chuộng do kiểu dáng mẫu mã đa dạng và giá thành rất sinh viên. Mũ Fullface Yohe hiện đang là một trong những mẫu mũ đi phượt khá thịnh hành. 

Tên mẫu

Thích hợp cho

Giá tiền

Mũ ¾ Yohe 851

Sử dụng hàng ngày

Khoảng 1.000.000đ

Mũ ¾ Yohe 878

Sử dụng hàng ngày

Khoảng 1.300.000đ

Mũ Fullface Yohe 978

Đi phượt

Khoảng 1.300.000đ

Mũ Fullface Yohe 967

Đi phượt, đi tour

Khoảng 1.800.000đ

Mũ Lật Hàm Yohe 950

Đi phượt, đi tour

Khoảng 2.000.000đ

Mũ Cào Cào Yohe 632A

Xe cào cào, ADV

Khoảng 2.000.000đ

Mũ bảo hiểm Bulldog

Là thương hiêu đến từ Anh Quốc được sản xuất và gia công tại Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc.

Có thể nói BullDog khá thành công khi xâm nhập thị trường Việt Nam và có chỗ dứng nhất định trong lòng người tiêu dùng, với những mẫu mã thiết kế cổ điển đi kèm giá thành cạnh tranh, phù hợp với đại đa số người dùng trong nhu cầu sử dụng nón bảo hiểm hàng ngày. Đặc trưng của Bulldog là những mẫu thiết kế mũ bảo hiểm cổ điển không bao giờ lỗi thời, và phù hợp với đại đa số người dùng. 

Tên mãu

Thích hợp cho

Giá tiền

Mũ nửa đầu Bulldog Gang

Sử dụng hàng ngày, classic

Khoảng 520.000đ

Mũ nửa đầu Bulldog Pug

Sử dụng hàng ngày, classic

Khoảng 599.000đ

Mũ Fullface Bulldog Torri

Đi phượt, đi tour

Khoảng 1.500.000đ

Mũ ¾ Bulldog Beagle

Sử dụng hàng ngày, đi phượt

Khoảng 1.100.000đ

Mũ bảo hiểm Givi

Givi là một cái tên mới trong thị trường mũ bảo hiểm ở Việt Nam. Với nhà máy gia công sản xuất tại Việt Nam, Givi có thể cung cấp được những mẫu mũ bảo hiểm thương hiệu Việt với thiết kế và chất lượng Italy nhưng giá tiền lại rất Việt Nam, cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu nhập khẩu khác. 

Tên mẫu

Thích hợp cho

Giá tiền

Mũ ¾ Givi Roma

Sử dụng hàng ngày, đi phượt

Khoảng 900.000đ

Mũ ¾ Givi Strada

Sử dụng hàng ngày, đi phượt

Khoảng 2.000.000đ


 

Mũ bảo hiểm AGV

Trong giới biker và giới đam mê xe cộ, có rất nhiều thương hiệu nổi trội với những sản phẩm mà các tay đua đặt sự tin tưởng với mạng sống của họ, bằng cách sử dụng nó trên đường đua với vận tốc hơn 300km/h. Mũ bảo hiểm AGV là một trong những cái tên đó, ra đời từ rất lâu vào những năm 1940, với mục tiêu sản xuất các trang bị bảo hộ tốt nhất có thể dành cho giới đua xe, nơi mà tiền không là gì so với sự rủi ro và mạng sống.

Tên mẫu

Thích hợp cho

Giá tiền

Mũ Fullface AGV K-3

Xe Sport, đi tour, chạy track

Khoảng 7.000.000đ

Mũ ¾ AGV Blade

Sử dụng hàng ngày, đi phượt

Khoảng 4.000.000đ

Mũ 3/4 AGV K-5

Sử dụng hàng ngày, đi phượt

Khoảng 8.000.000đ

Mũ Fullface AGV Pista GP-R

Xe Sport, đi tour, chạy track

Khoảng 37.000.000đ

 

Chọn size mũ bảo hiểm

Chọn size mũ đúng với kích thước vòng đầu của bạn, để mũ bảo hiểm có thể phát huy tính năng an toàn của nó. Đội mũ quá rộng thì sẽ không an toàn, đội mũ quá chật sẽ gây khó chịu và đau đầu.

Các bước đo chu vi vòng đầu:

  1. Chuẩn bị thước dây
  2. Quấn thước dây ở phần trán, trên chân mày, vòng qua gáy và trên lỗ tai (nơi đầu to nhất)
  3. Thực hiện đo nhiều lần
  4. Lấy số đo lớn nhất và so sánh với bảng kích thước mũ bảo hiểm. 


Đến đây chắc bạn cũng đã biết được mình cần mua mũ bảo hiểm loại nào, biết được kích thước vòng đầu cũng như chọn được một thương hiệu mũ phù hợp với mình. Chrunix hy vọng bài viết này có ích đối với bạn. Nếu bạn có đóng góp gì thêm, vui lòng để lại comment ở bên dưới nhé!